Tôn vinh lịch sử hào hùng bến Vũng Rô từ những chuyến tàu không số
Bảo tàng tỉnh Phú Yên đang trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến tàu không số”. Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên từ tàu không số (28/11/1964 - 28/11/2024) vượt đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ - Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cách đây 63 năm, Bộ Quốc phòng ban hành quyết định số 97/QP ngày 23/10/1961 thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra đường Hồ Chí Minh trên biển, để những chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí từ miến Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Trường Sơn thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Đảng, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với riêng bến Vũng Rô từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965 đã đón 4 chuyến tàu không số chi viện gần 200 tấn vũ khí cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Từ sự chi viện này, tỉnh Phú Yên trang bị mới gần 3.000 khẩu súng các loại cho lực lượng du kích, đồng thời đảm bảo thuốc nổ cho Xưởng quân giới Phú Yên chế tạo các loại mìn, lựu đạn, thủ pháo phục vụ chiến đấu, lập nhiều chiến công vang dội. Điển hình là Chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966; Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến thắng lịch sử đường 5, cùng bộ đội chủ lực làm chủ Phú Yên ngày 1/4/1975, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng như nhiều chuyến tàu không số khác, 4 chuyến tàu không số vào bến Vũng Rô phải vượt qua hải trình dài đầy gian khó, hiểm nguy; nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm và sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ hải quân trên tàu không số và bộ đội, du kích, dân công bến Vũng Rô, gần 200 tấn vũ khí đã được giao nhận an toàn, lập nên kỳ tích hào hùng gắn liền chiến công huyền thoại Vũng Rô. Trong đó có chuyến tàu không số mang mật số 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy vào Vũng Rô đêm 15/2/1965, sau khi bốc dỡ hết vũ khí thì hệ thống tời kéo neo bị hỏng, đến 5h sáng hôm sau mới sửa chữa xong.
Để tránh bị lộ, tàu 143 phải neo lại Bãi Chùa và được nguy trang bằng lá rừng phủ thành mõm núi, nhưng địch phát hiện dấu hiệu khác biệt những tấm không ảnh trước đó, nên huy động máy bay, tàu chiến và bộ binh bắn phá. Đại đội K60 địa phương cùng thủy thủ tàu 143 đánh trả quyết liệt, sử dụng bộc phá đánh chìm tàu 143 trong đêm 17/2/1965 và triển khai phương án thoát khỏi vòng vây của địch. Từ đó, địch tăng cường đánh phá, phong tỏa, nên bến Vũng Rô khép lại nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc.
Với ba chủ đề chính, trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến tàu không số” đã dẫn dắt người xem đi từ “Tổng quan đường Hồ Chí Minh trên biển” cho đến “Tiếp nhận chi viên tại bến Vũng Rô và “Chiến công từ những chuyến tàu không số”.
92 hình ảnh, 2 bản đồ, 7 tài liệu, 5 danh sách, 5 bảng trích đã được trưng bày theo trình tự thời gian, phản ánh chân thực lịch sử. Bên cạnh đó là 40 hiện vật như: Công cụ đo, vẽ, xác định vị trí, hướng đi trên hành trình của thuyền trưởng tàu không số; công cụ báo hiệu giữa tàu và bến để đảm bảo các chuyến tàu cập bến an toàn; công cụ vận chuyển vũ khí của bộ đôi, du kích, dân trên bến Vũng Rô; dụng cụ đựng thuốc y tế, tư trang, thực phẩm, nước uống; một số loại vũ khí là hiện vật được tiếp nhận từ các chuyến tàu không số; chứng tích thu giữ của địch ở Vũng Rô và các trận đánh khác có vũ khí chi viện từ miền Bắc.
Trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến tàu không số” không chỉ tôn vinh, ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ hải quân, bộ đội, du kích, dân công trong vận chuyển, tiếp nhận vũ khí từ 4 chuyến tàu không số vào bến Vũng Rô trong kháng chiến chống Mỹ, mà còn góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong số những hiện vật trưng bày có 5 hiện vật vừa được Trung tá Hồ Đắc Thạnh, Anh hùng lực lượng vũ trang trao tặng cho Bảo tàng Phú Yên. Ông là thuyền phó, thuyền trưởng 12 chuyến tàu không số chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam, trong đó có 3 chuyến tàu không số mang mật số 41 vào bến Vũng Rô ở phía Nam Phú Yên.
Bên cạnh hoạt động trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến tàu không số”, phim tài liệu “Huyền thoại Vũng Rô” do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội sản xuất với thời lượng 25 phút được trình chiếu trên kênh VTV1 lúc 16h15 ngày 24/11 và trên kênh Quốc phòng Việt Nam 11h trưa 27/11.
Nội dung phim khẳng định vị trí quan trọng của bến Vũng Rô - một mắt xích quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện vũ khí cho chiến trường Khu V. Xuyên suốt phim là câu chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu 41 - con tàu ba lần vào bến Vũng Rô thành công. Cùng với đó, là câu chuyện về tinh thần dũng cảm kiên cường của bộ đội, du kích, dân công bến Vũng Rô đã nỗ lực bốc dỡ, chuyển tải vũ khí từ 4 chuyến tàu không số vào bờ để trang bị kịp thời cho các lực lượng bộ đội du kích các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk chiến đấu.
Lễ kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên từ tàu không số sẽ được UBND tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức vào sáng 28/11/2024 tới đây tại Di tích lịch sử Vũng Rô (ở xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa). Các hoạt động nêu trên đều hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)./.